PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KIM THÀNH
TRƯỜNG THCS CỔ DŨNG
Video hướng dẫn Đăng nhập

TRƯỜNG THCS C DŨNG  - HUYỆN KIM THÀNH - TỈNH HẢI DƯƠNG

49 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

 Xã Cổ Dũng huyện Kim Thành là một miền quê trù phú, nơi có dòng sông Rạng hiền hoà chảy qua. Với chiều dài hàng chục kilômét, dòng nước nặng phù sa của con sông ấy vẫn đêm ngày vỗ về, cần mẫn, bồi đắp cho cánh đồng quê hương thêm màu mỡ tốt tươi.

Nhắc đến xã Cổ Dũng huyện Kim Thành, nhắc người ta nhớ đến một miền quê  giàu truyền thống cách mạng của huyện Kim Thành. Những chiến công trên con đường quốc lộ số 5 là một minh chứng sống động cho truyền thống cách mạng của đất và người nơi đây.  Cùng với truyền thống cách mạng quý báu đó, mảnh đất yêu dấu này còn là nơi hình thành truyền thống văn hoá, truyền thống hiếu học hiếm có.

Từ thời Pháp thuộc bất chấp chính sách ngu dân hà khắc của thực dân Pháp, vào những năm 1940, tại xã Cổ Dũng đã có một trường "Sơ học Pháp - Việt", tương đương với Trường Tiểu học bây giờ  . Lúc ấy trường có khoảng hai mươi, ba mươi học sinh , chương trình học từ vỡ lòng tới lớp 3, nhưng mỗi năm chỉ trên dưới 10 học sinh tốt nghiệp. Đến bây giờ làng vẫn nhớ tên thầy là thầy Tú Liên quê ở Hải Phòng, thầy khoá Cốc ở Gia Lộc và một vài khoá sinh trong xã mở lớp, chủ yếu là dạy chữ Nôm và chữ Hán.. Thầy giáo Tú Liên là người thầy tâm huyết với nghề giáo, có tư tưởng tiến bộ của một nhà giáo yêu nước, thầy bất bình với những hủ tục ở nông thôn và bọn lý dịch hống hách, bọn quan lại cậy quyền thế ở địa phương. Nhân cách nhà giáo của thầy đã có ảnh hưởng tích cực đến học sinh, nhất là học sinh lứa tuổi 15, 16,17 của Cổ Dũng lúc bấy giờ

Năm 1962 là một mốc thời gian quan trọng, trong lịch sử của trường cấp hai Cổ Dũng. Cuối năm 1962, Cổ Dũng được Huyện Kim Thành chọn để thành lập trường cấp hai gọi là "Trường cấp hai Cổ Dũng". Ngôi trường ra đời để dạy cho con em trong xã và các xã lân cận. Đây là niềm vinh dự của nhân dân Cổ Dũng. Thầy Trần Văn Lanh quê ở xã Hùng An huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên làm Hiệu trưởng nhà trường đầu tiên. Những ngày đầu thành lập trường, thật khó khăn. Trường chỉ là một ngôi nhà cấp bốn, đơn sơ. Lớp học chật chội, thiếu thốn nhiều mặt: bàn ghế, dụng cụ học tập của học sinh, đồ dùng dạy học của giáo viên, đời sống của nhân dân của các em học sinh và cả thầy cô giáo trong chiến tranh hết sức khó khăn, đói nghèo vẫn còn bám riết lấy cuộc sống và con người nơi đây. Các thầy cô giáo của trường lúc này đến từ nhiều vùng quê khác nhau, họ đều là những giáo viên tuổi đời còn rất trẻ, giàu nhiệt huyết với nghề. Xác định rõ nhiệm vụ quan trọng của giáo dục trong thời điểm hiện tại của đất nước đào tạo con người có tri thức để xây dựng thành công CNXH, và nhất là sự chờ đợi háo hức của các em học sinh được đến trường học tập, các thầy đã vượt lên trên hết khó khăn, bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ. Thầy nhiệt thành, trò chịu thương chịu khó vượt qua đói nghèo để đến trường. Theo học tại trường lúc bấy giờ có rất nhiều học sinh lớn tuổi đã có vợ, có con mà vẫn học hành rất ham, rất cầu tiến bộ. Những người thầy đầu tiên, những học trò đầu tiên của trường cấp hai Cổ Dũng là những con người như thế! Họ thật xứng đáng là những người đặt viên gạch nền móng cho phong trào giáo dục của trường sau này.

  Từ năn 1962 đến năm 1976 nhà trường đã liên tục 15 năm đạt danh hiệu tiên tiến. Đến năm 1976 đã có 7 lớp, 354 HS cùng với 11 cán bộ giáo viên

 Từ năm 1977 đến năm 1990, tiếp tục ghi nhận sự trưởng thành và phát triển của nhà trường  Năm 1978 được nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí, mặc dù kinh tế của địa phương lúc bấy giờ vẫn còn rất khó khăn nhưng nhân dân vẫn đóng góp cả bằng vật chất và sức lực để tiếp tục củng cố xây dựng trường. Trường đã được mười sáu gian với tám phòng học mới đồng thời sửa sang đóng mới hàng trăm bộ bàn ghế. Quy mô lớp học của trường được mở rộng và hoàn thiện với tổng số học sinh khoảng 280 em tăng so với năm học 1974-1975 là 50 em, bao gồm học sinh của xã Cổ Dũng và học sinh các xã lân cận. Như vậy, quy mô trường được mở rộng thêm, số học sinh đông hơn, quy mô lớp học mở rộng hơn đủ đến lớp Bảy. Đội ngũ các thầy cô giáo tiếp tục đương đầu với những khó khăn, thử thách mới, nhưng với sức mạnh của tình yêu nghề, yêu  học sinh, các thầy cô giáo đã vượt qua mọi khó khăn, vẫn say sưa trên bục giảng. Tất cả như tái hiện lại được một cách thật xúc động về tình yêu nghề, nhiệt huyết của các thầy cô.  Lúc đó phong trào “ Thi đua dạy tốt, học tốt" được giấy lên và thực hiện sôi nổi, đầy quyết tâm trong nhà trường. Đáp lại sự nhiệt tình của các thầy cô, học sinh cũng hăng say học tập và luyện rèn. Lúc bấy giờ có hàng chục học sinh sau khi tốt nghiệp cấp hai Cổ Dũng đã thi đỗ vào trường cấp ba Kim Thành - Hải Dương để học tiếp.

          Thời gian này, cùng với sự ra đời của trường cấp hai dân lập Cổ Dũng, là trường bổ túc Cổ Dũng thu hút hàng trăm học viên là cán bộ xã, Đảng viên, Đoàn thanh niên của xã và các xã lân cận theo học. Trường cấp hai bổ túc Cổ Dũng lúc bấy giờ thực sự là nơi để nâng cao trình độ văn hoá và đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận của quê hương Cổ Dũng và các xã khác.

          Theo lời một số giáo viên, hiệu trưởng nhà trường thời đó nay kể lại thì trường cấp hai Cổ Dũng ra đời sớm nhưng trưởng thành khá nhanh và mạnh. Một số thầy Hiệu trưởng, Hiệu phó của trường sau đó được huyện điều đi xây dựng phong trào cho các trường cấp hai của các xã khác được thành lập sau như thầy Đào Tiến Thuận, thầy Trần Văn Lanh, thầy Tạ Xuân Tùng đi Kim Anh... Các thày cô giáo đã để lại trong học sinh, nhân dân niềm tin yêu cảm mến. Đó là nền móng vững chắc cho sự phát triển của trường giai đoạn tiếp theo. Các thầy cô giáo, những học sinh khoá đầu tiên của trường thời kỳ này thật vinh dự và xứng đáng với cương vị người xây nền đắp móng, tạo dựng nên truyền thống tốt đẹp của  trường. Nét đẹp của truyền thống đó là tình yêu, ý thức trách nhiệm với nghề, với học sinh của giáo viên, sự hiếu học, ham tiến bộ và giàu ước mơ hoài bão của học sinh ngay từ trong hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc sống. Từ mái trường cấp hai Cổ Dũng ngày đó đã chắp cánh ước mơ cho biết bao học sinh của khoá học đầu tiên. Những học sinh ấy nay đã là cựu học sinh của trường. Sau khi học xong cấp hai  Cổ Dũng, mỗi người có sự lựa chọn cho mình một con đường đi tiếp. Họ đã tiếp tục học tập, phấn đấu và rèn luyện nay đã thành đạt trong công việc và cuộc sống, với nhiều cương vị công tác khác nhau: Người đã trở thành nhà khoa học, người trở thành sĩ quan trong  lược lượng vũ trang, người trở thành giám đốc doanh nghiệp, giám đốc ngân hàng, người trở thành nhà giáo: Xin kể một số tấm gương học sinh tiêu biểu như thế:

         Ông Nguyễn Danh Cộng . Thạc sĩ Luật - Thiếu tướng An ninh, Chánh văn phòng Bộ Công an

         Ông Nguyễn Thế Thạch  . Thượng tá – Phó giám đốc Công ty 319 - Bộ Quốc phòng  

          Bà Nguyễn Thị Huyền - Tiến sĩ - Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội  

         Ông Nguyễn Quý Phùng – Bác sĩ - Trưởng khoa mắt - Bệnh viện Kim Thành  

          Và nhiều  người khác nữa.

 . Có học sinh nay sống và làm việc xa quê hương xa mái trường xưa nhưng vẫn thể hiện tình cảm của mình với trường bằng những việc làm không nặng về giá trị vật chất nhưng lại rất giàu ý nghĩa về tinh thần: Trao tặng quà cho thầy cô giáo, cho học sinh của trường đạt thành tích cao trong công tác và học tập. Đó là việc làm thể hiện thắm thiết nhất tình thầy trò, truyền thống tôn sư trọng đạo mà các bác là một sự tiêu biểu.

Những năm 1965 - 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc diễn ra vô cùng ác liệt, chiến tranh đã lan rộng ra miền Bắc. nhân dân miền Bắc trong đó có con người Cổ Dũng vừa phải lao động sản xuất vừa phải chiến đấu. Mặc dù phải tập trung lãnh đạo thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng là sản xuất và chiến đấu, nhưng Đảng bộ và chính quyền Cổ Dũng vẫn chú trọng phát triển sự nghiệp giáo dục của xã. Quan tâm chăm lo đến đời sống của giáo viên, bằng cả vật chất lẫn tinh thần, động viên giáo viên vượt qua khó khăn thi đua dạy tốt, học tốt. Trường học luôn có mối quan hệ gắn bó chia sẻ với lãnh đạo địa phương, với nhân dân. Không phụ sự quan tâm ấy, đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường đã nối tiếp sự nghiệp mà đồng nghiệp trước đó của mình đã gây dựng nên, với khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Có thể nói hơn bao giờ hết đội ngũ lãnh đạo và giáo viên nhà trường thời kỳ này đã phải vượt qua khó khăn, gian khổ, thiếu thốn nhất của thời chiến tranh, phát huy cao độ sự say mê và sáng tạo  hết lòng vì học sinh vì sự nghiệp giáo dục của quê hương. Để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, Ban giám hiệu nhà trường cùng các thày cô giáo đào hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn cho các em ngay tại trường học. Trường đã thành trường học giã chiến an toàn. Các thày giáo nêu cao quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Dù khó khăn đến đâu vẫn phải thi đua dạy tốt, học tốt". Ban giám hiệu của trường thời gian này: Thầy Tạ Xuân Tùng quê xã Thượng Vũ- Kim Thành, Thầy Phạm Văn Tôn quê ở Tuấn Hưng – Kim Thành; Thầy Đào Văn Tuyên ở xã Thượng Vũ – Kim Thành; Thầy Bùi Duy Xuân ở xã Lai Vu – Kim Thành .  . Không phụ lòng thầy, học sinh cũng cố gắng vượt bom đạn vượt qua đói nghèo để đến trường. Tiếng bom đạn không làm các em sợ. Hàng trăm học sinh hằng ngày vẫn đội mũ rơm đến trường, tiếng thầy giảng bài, tiếng trò đọc thơ vẫn vọng  đều trong từng lớp học, rất say sưa. Tỷ lệ học sinh được lên lớp hằng năm đạt 95 đến 97%. Học sinh đỗ tốt nghiệp cấp hai từ 90% trở lên, đó là kết quả giáo dục đáng nể của nhà trường vào thời kỳ đó. Tên tuổi và hình ảnh trường cấp hai Cổ Dũng tiếp tục được củng cố. Đội ngũ những nhà quản lý, các thầy cô giáo, học sinh đã góp phần ghi tiếp trang lịch sử của trường về truyền thống dạy tốt học tốt.

Lúc này cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ngày càng trở lên khốc liệt. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tiếng gọi của đồng bào Miền Nam ruột thịt…đã có thầy giáo của trường phải tạm gác bút nghiên, tạm rời bục giảng, xa các em học sinh thân yêu... khoác lên mình bộ quân phục màu xanh lên đường, ra trận, thực hiện nhiệm vụ cao cả của đất nước: Chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Thế là "Thầy giáo đã thành chiến sĩ"! Một hình ảnh tiêu biểu về thầy giáo như thế: Thầy Trần Văn Lanh. Thầy là giáo viên của trường từ năm 1962 .  

 Lớp thầy trước, lớp trò sau, noi gương các thầy, cùng với thanh niên cả nước, biết bao học trò của trường cũng đã lên đường nhập ngũ, góp sức trẻ của mình cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong số đó có học trò nay đã trở thành sĩ quan, giữ những chức vụ quan trọng trong lược lượng vũ trang, có học trò sau thời gian quân ngũ lại tiếp tục học tập, phấn đấu và trưởng thành. Nhưng cũng có rất nhiều học trò ra đi mãi không về, hy sinh trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho màu xanh tươi vĩnh hằng của Tổ quốc, cho sự  hiện hữu của cuộc sống tốt đẹp, dành cho mỗi chúng ta ngày hôm nay. 

Có thể nói khoảng thời gian 1965 - 1975 một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước nhiều đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Nhưng cũng chính trong thời kỳ này phong trào giáo dục của Cổ Dũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, ghi những dấu ấn không thể phai mờ trong cả chặng đường xây dựng và trưởng thành của nhà trường. Đặt nền móng và vun đắp lên những giá trị truyền thống tốt đẹp về: Sự quan tâm chăm lo của nhân dân địa phương cho giáo dục, sức mạnh vượt khó khăn, tình yêu nghề, lao động sáng tạo, tất cả vì học sinh thân yêu của đội ngũ nhà giáo, ham học và giàu mơ ước của các em học sinh…tất cả những giá trị truyền thống đó có sức sống lâu bền, góp phần tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của nhà trường trong chặng đường tiếp theo.

Đến những năm 1980 - 1990 thời kỳ đất nước chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Tình hình xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của giáo viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Cuộc sống của giáo viên thời kỳ này hết sức khó khăn, đồng lương  khó có thể đủ để trang trải cuộc sống, đã có giáo viên ở nhiều địa phương khác trên cả nước đã không thể bám trụ được đành phải bỏ nghề giáo. Trong điều kiện khó khăn như vậy, lãnh đạo và nhân dân địa phương vẫn chăm lo cho nhà trường. Mọi sự tu bổ về cơ sở vật chất cho trường lúc bấy giờ hoàn toàn dựa vào địa phương. Được sự quan tâm động viên của nhân dân, của lãnh đạo địa phương, đội ngũ giáo viên của trường vẫn tiếp tục bám trường, thực hiện nhiệm tốt nhiệm vụ giáo dục tại địa phương. Thày Hiệu trưởng nhà trường thời kỳ này là thầy Lưu Thanh Ngà quê ở Thị trấn Quảng Xương – Thanh Hoá và cô Phạm Thị Triều quê ở xã Cộng Hoà – Kim Thành - Hải Dương. Đội ngũ giáo viên của trường phát huy sức mạnh vượt khó khăn của đồng nghiệp đi trước, bước chân đến trường là bỏ lại phía sau những khó khăn, lo toan của cuộc sống thường nhật bám trường, bám lớp, giảng dạy nhiệt tình và sáng tạo. Các ngày lễ lớn trong năm, các ngày sinh hoạt tập thể được tổ chức tại trường trang trọng và vui vẻ, lấy đó làm nguồn động viên tinh thần cho giáo viên. Thời kỳ này, phong trào Hội phụ huynh của trường cấp hai Cổ Dũng được đánh giá là mạnh ở huyện Kim Thành. Kết quả giáo dục toàn diện nhà trường tiếp tục phát triển, mười ba năm liền trường đạt danh hiệu trường tiên tiến. Tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp lớp 9 hằng năm được giữ vững.  Có thể nói chặng đường 13 năm từ 1977 đến 1990 là chặng đường khẳng định sự tiếp tục phát triển đi lên của trường cấp hai Cổ Dũng mặc cho đời sống của giáo viên hết sức khó khăn do ảnh hưởng tác động của sự chuyển giao nền kinh tế. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, tiếp tục ghi thêm vào trang lịch sử truyền thống của trường những giá trị tốt đẹp.

Thời kỳ 1991 - 1999, là khoảng thời gian khá khó khăn của trường.  Mặc dù kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân không mấy phát triển. Và khi đó ý chí của con người Cổ Dũng đã thực sự chiến thắng hoàn cảnh muôn vàn khó khăn ấy. Nhà trường vẫn duy trì và liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến. Cơ cấu nhà trường vẫn được duy trì và mở rộng không ngừng. Đến thời kì này nhà trường đã có tới 12;13 lớp học. Một điều thật đáng cảm phục về sức hy sinh của nhân dân xã nhà trong việc chung tay xây dựng nền nếp học tập cho con em mình.

Thời kỳ 2000 - nay, phong trào giáo dục của truờng dưới sự lãnh đạo của Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Triều, quê ở Cộng Hoà -  Kim Thành, trường vẫn duy trì khoảng trên dưới 11 lớp học, cơ sở vật chất nhà trường dần được củng cố, học sinh có khá đầy đủ bàn ghế học tập. Khuôn viên Hội đồng trường đã dần dần được xây dựng khá khang trang. Hội đồng trường tăng lên 28 cán bộ giáo viên. Chất lượng và nền nếp học tập luôn được duy trì tốt.

Từ năm học 2009 - 2010 đến nay là khoảng thời gian ghi nhận sự một sự chuyển mình, một bước tiến quan trọng trên tất cả các mặt, khẳng định sức sống tiềm tàng và luôn hiện hữu của truyền thống giáo dục trên quê hương Cổ Dũng. Đảng, chính quyền và nhân dân Cổ Dũng đã vượt qua mọi khó khăn tiếp tục đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của quê hương nói chung, trong đó có trường THCS. Phong trào giáo dục của nhà trường thời kỳ này gắn liền với sự quản lý chỉ đạo của Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quế quê ở Cộng Hoà – Kim Thành. Là một Hiệu trưởng sớm trưởng thành với nhiều năm làm công tác quản lý, giàu kinh nghiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm, chắc chắn về chuyên môn, nghiệp vụ, làm cộng tác viên thanh tra, tham gia tổ nghiệp vụ của Phòng Giaó Dục Huyện Kim Thành liên tục nhiều năm liền. Đó là những yếu tố cần thiết tạo điều kiện để giúp thầy hoàn thành tốt công tác quản lý của mình.

Bước tiến quan trọng trước tiên của trường đó là về cơ sở vật chất. Năm học 2009 - 2010, một ngôi trường mới khang trang được đầu tư xây dựng trên một khu đất mới. Trên cở sở các phòng học được địa phương xây mới, Ban giám hiệu nhà trường đã tranh thủ mọi nguồn lực hoàn thiện trang thiết bị bên trong. Ngôi trường kiên cố, khang trang đã có được nội thất hiện đại, đáp ứng yêu cầu làm việc của giáo viên và học tập của học sinh. Có đủ phương tiện, đồ dùng dạy học, các phòng học bộ môn như Lý - Công nghệ, Hoá - Sinh, Tin học, đáp ứng tốt cho việc thực hành của học sinh, một yêu cầu quan trọng của phương pháp dạy học mới: Học đi đôi với hành, giảm lý thuyết hàn lâm, tăng thực hành vận dụng, phát huy sự chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập và lĩnh hội kiến thức. Thư viện trường đạt chuẩn với tổng số sách trên 3000 cuốn. Khuôn viên nhà trường tiếp tục được cải tạo: Cây xanh, bóng mát, tạo cảnh quan nhà trường xanh - sạch - đẹp, thân thiện với con người.

Trong năm học 2010 -2011, Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục chủ động nâng cấp và cải tạo thêm một bước cơ sở vật chất nhà trường theo tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia. Trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy và học tập tiếp tục được tăng cường, hệ thống máy tính để bàn, máy xách tay với tổng số 28 máy, nối mạng Intenet đến tất cả các phòng, máy chiếu đa năng: 03 chiếc, máy quét, máy quay...; đồ dùng, thiết bị dạy học luôn được bổ sung trong tình trạng sử dụng tốt, các phòng học bộ môn duy trì hoạt động có hiệu quả, phòng học của học sinh được trang bị đủ bàn ghế, đảm bảo về ánh sáng, quạt mát, công trình nước sạch, nhà vệ sinh... được cơ quan y tế kiểm tra và công nhận đạt yêu cầu sử dụng tốt, hợp vệ sinh. Các phhòng chức năng gồm Văn phòng, các phòng tổ chuyên môn, phòng làm việc của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, phòng nghe nhìn, phòng truyền thống, phòng làm việc của Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, Y tế học đường, phòng Hành chính. Khuôn viên trường tiếp tục được cải tạo, cây cảnh, cây xanh được quy hoạch có giá trị thẩm mỹ tôn vinh thêm vẻ đẹp và sự bề thế của trường. Sân chơi của học sinh có ghế đá dưới tán cây xanh tạo không gian nghỉ và vui chơi thoải mái cho các em sau mỗi tiết học, các em cảm thấy thực sự an toàn thân thiện khi học tập, vui chơi tại trường.  

Đội ngũ cán bộ giáo viên nhân viên của trường tiếp tục được cải tạo và bồi dưỡng, đủ về số lượng cân đối về các môn học, có trưởng thành rõ nét về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, về phẩm chất đạo đức và phẩm chất chính trị. Có 14/ 20 giáo viên là Đảng viên. Có nhiều giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp Huyện với các vị trí Nhất, Nhì, Ba. Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý có sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm. Giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở hàng năm tăng dần về số lượng. Công tác tại trường mỗi giáo viên luôn có điều kiện tốt nhất để phát huy khả năng sự sáng tạo của mình trong giảng dạy và trong các hoạt động, được bồi dưỡng để không ngừng tiến bộ bằng nhiều hình thức khác nhau: Bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng tại chỗ, được đi học để nâng chuẩn. Đội ngũ mỗi người có mặt mạnh riêng đều được nhà trường tạo điều kiện để phát huy, cống hiến cho phong trào chung của trường  

Sở trường riêng của mỗi giáo viên đã được quy tụ dưới một mái nhà chung đó là ngôi trường THCS Cổ Dũng, với môi trường sư phạm đoàn kết, có tinh thần cộng đồng trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống. Dù hiện tại với sự phát triển nhanh của xã hội nên đời sống nhà giáo chưa phải đã hết khó khăn, các thầy cô vẫn còn phải vướng bận với sự lo toan cho cuộc sống đời thường, nhưng thế hệ giáo viên hiện tại của trường vẫn có khả năng rất tuyệt vời đó là biết dung hoà giữa công việc và cuộc sống, các cô giáo xứng đáng với danh hiệu giỏi việc trường đảm việc nhà, tất cả đã góp phần xứng đáng xây đắp nên những thành tựu của nhà trường ngày hôm nay. Họ đã sống và làm việc xứng đáng với truyền thống nhà trường, với những cống hiến của các thế hệ giáo viên đi trước.

Từ sự lao động nghiêm túc có tinh thần trách nhiệm của các thầy cô giáo nên các em học sinh đã tích cực học tập, phấn đấu luyện rèn, số đông học sinh có hoài bão, giàu ước mơ. Chất lượng giáo dục của nhà trường giai đoạn này luôn ổn định và từng bước có sự phát triển vững chắc. Tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm đạt 98,5%. Học sinh được công nhận tốt nghiệp lớp 9 đạt 99%. Học sinh tốt nghiệp lớp 9 đỗ vào PTTH hằng năm xếp thứ hạng cao của Huyện và Tỉnh, thuộc các trường tốp đầu Huyện . Chất lượng mũi nhọn tiếp tục ổn định và phát triển: Có học sinh giỏi cấp Tỉnh các môn Tiếng Anh, học sinh đạt Huy chương Đồng toàn quốc Ôlympic Tiếng Anh. Học sinh giỏi cấp huyện thuộc trường tốp đầu Huyện. 

Với kết quả giáo dục toàn diện như trên, trường luôn là một trong 5 trường THCS dẫn đầu trong toàn huyện Kim Thành.      

Có thể nói sau một thời gian trường gặp khó khăn, phong trào giáo dục có phần chững lại thì đến thời điểm này mọi khó khăn dường như đã vượt qua, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường có những bước tiến mới chắc chắn và bền vững. Ban giám hiệu nhà trường và đội ngũ giáo viên đang tiếp tục lao động cần mẫn, nhiệt tình, sáng tạo, như tự nhủ sẽ cùng nhau thắp sáng và ghi tiếp trang sử vàng truyền thống nhà trường mà các thế hệ nhà giáo đi trước đã gây dựng nên. Mục tiêu mà nhà trường hướng tới đã được xác định rõ: "Trường THCS Cổ Dũng đạt chuẩn quốc gia vào năm 2011".

Đến cuối năm học 2010 - 2011, trường đã hoàn thiện các điều kiện theo tiêu chuẩn đạt chuẩn quốc gia, đã sẵn sàng cho việc kiểm tra và công nhận Trường THCS Cổ Dũng đạt chuẩn quốc gia.

Tìm hiểu và trân trọng nhìn lại cả một chặng đường dài xây dựng và trưởng thành của trường trung học cơ sở Cổ Dũng huyện Kim Thành, chúng tôi rất tự hào vì trong suốt cả chặng đường 49 năm ấy, trường đã hình thành nên những giá trị truyền thống cao đẹp. Đó là truyền thống về sự chăm lo cho giáo dục của Đảng, chính quyền, nhân dân Cổ Dũng. Có thể có lúc sự chăm lo đó chưa thật kịp thời, nhưng lại được bù đắp ngay khi có thể. Truyền thống về sự vượt qua mọi gian khổ, thuỷ chung gắn bó với nghề, lập thành tích trong giảng dạy và công tác, bất luận những thay đổi và tác động của điều kiện xa hội của đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường qua các thời kỳ. Truyền thống về sự ham học cầu tiến bộ, dám mơ ước của lớp lớp thế hệ học sinh, dù cho cuộc sống có khó khăn gian khổ đến mấy. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, của học trò, của nhân dân luôn có trong mọi thời điểm với những tình cảm dung dị nhưng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Tất cả đã trở thành những giá trị cao đẹp, tồn tại vượt thời gian.

Chúng tôi những thế hệ nhà giáo đi sau đã và đang tiếp tục cố gắng nỗ lực để viết tiếp trang sử vẻ vang về truyền thống của nhà trường mà các thế hệ nhà giáo đi trước đã gây dựng nên bằng cả bầu nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ trong hoàn cảnh lịch sử đầy đau thương mà rất đỗi hào hùng của dân tộc. Những kết quả mà nhà trường đạt được ngày hôm nay dù đã góp phần tô thắm thêm trang sử 49 năm xây dựng và trưởng thành của nhà trường, nhưng có lẽ vẫn còn rất khiêm tốn và có thể chưa hoàn toàn đáp ứng được niềm tin, niềm hy vọng của các thế hệ nhà giáo đi trước, của nhân dân địa phương. Chúng tôi biết sẽ còn phải tiếp tục cố gắng hơn nữa để xứng đáng với những gì mà thế hệ nhà giáo đi trước đã xây dựng nên, với truyền thống giáo dục của địa phương!

 

Có được Lịch sử hình thành và phát triển của  trường THCS Cổ Dũng là niềm mong mỏi của tất cả chúng tôi, những người đang công tác tại trường. Trong quá trình sưu tầm, tìm hiểu để viết lại những trang lịch sử truyền thống của trường trong suốt 49 năm qua, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Xin quý bạn đọc thông cảm và có ý kiến góp ý giúp chúng tôi tiếp tục hoàn thiện trang lịch sử truyền thống nhà trường.

Mọi đóng góp xin gửi về địa chỉ: Trường THCS Cổ Dũng – Kim Thành - Hải Dương.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Tác giả bài viết: Trần Thúy-Tổ KHXH

 


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 02 - NĂM HỌC: 2023 - 2024 CHỦ ĐỀ: CHÀO MỪNG NĂM MỚI - XUÂN GIÁP THÌN 2024 KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930 - 03/02/2024) CUỐN ... Cập nhật lúc : 11 giờ 3 phút - Ngày 22 tháng 2 năm 2024
Xem chi tiết
Trường THCS Cổ Dũng NGOẠI KHÓA “ TẾT SUM VẦY ” NĂM HỌC: 2023 - 2024 - Ngày 27/01/2024 (tức ngày 17 tháng 12 âm lịch) Trường THCS Cổ Dũng kết hợp với Phụ huynh học sinh tổ chức chương trì ... Cập nhật lúc : 22 giờ 27 phút - Ngày 5 tháng 2 năm 2024
Xem chi tiết
BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 01 - NĂM HỌC: 2023 - 2024 CUỐN: “GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC, TÔN GIÁO” (Ấn phẩm của báo giáo dục và thời đại) ... Cập nhật lúc : 9 giờ 46 phút - Ngày 18 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
Theo Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT ngày 22/11/2022 của Bộ GD & ĐT ban hành tiêu chuẩn thư viện CSGD mầm non và GDPT. Thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch của phòng Thư viện năm h ... Cập nhật lúc : 15 giờ 38 phút - Ngày 7 tháng 12 năm 2023
Xem chi tiết
CUỐN SÁCH: “ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP – CHÂN DUNG MỘT HUYỀN THOẠI” Kính thưa quý thầy cô và cùng toàn thể các em học sinh thân mến! Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những ... Cập nhật lúc : 15 giờ 13 phút - Ngày 5 tháng 12 năm 2023
Xem chi tiết
BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11 - NĂM HỌC: 2023 – 2024 CUỐN SÁCH: “BỤI PHẤN” (Tuyển chọn những câu chuyện hay nhất) Tháng mười một ùa về, trong mỗi chúng ta chắc hẳn nhiều thầy cô và cá ... Cập nhật lúc : 15 giờ 45 phút - Ngày 13 tháng 11 năm 2023
Xem chi tiết
THƯ MỤC CHUYÊN ĐỀ “ SÁCH VĂN HỌC” THÁNG 10 - NĂM HỌC: 2023 – 2024 Dân tộc Việt Nam ta luôn coi trọng văn chương, đó là điều cần thiết để giao tiếp, để thể hiện mình. Từ thuở còn nằm nôi, e ... Cập nhật lúc : 16 giờ 55 phút - Ngày 30 tháng 10 năm 2023
Xem chi tiết
IỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10 - NĂM HỌC: 2023 – 2024 CUỐN SÁCH: “CHA VÀ CON” ... Cập nhật lúc : 15 giờ 7 phút - Ngày 10 tháng 10 năm 2023
Xem chi tiết
BÀI TUYÊN TRUYỀN HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI NĂM 2023 với chủ đề: XÂY DỰNG NĂNG LỰC TỰ HỌC TRONG KỶ NGUYÊN SỐ. ... Cập nhật lúc : 15 giờ 5 phút - Ngày 10 tháng 10 năm 2023
Xem chi tiết
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 9 - NĂM HỌC: 2023 – 2024 “BỘ SÁCH GIÁO KHOA LỚP 8” Phòng thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô, các em học sinh, các bậc phụ huynh bộ sách ... Cập nhật lúc : 7 giờ 24 phút - Ngày 11 tháng 9 năm 2023
Xem chi tiết
123456789
DANH MỤC
ĐỀ THI, CHUYÊN ĐỀ
Đề thi HSG tỉnh Hải Dương năm 2011 - 2012 môn Toán.
Đề thi HSG tỉnh Hải Dương năm 2011 - 2012 môn Tiếng Anh.
Đề kiểm tra chất lượng tháng 3/2012 môn Ngữ văn.
Một số phương pháp dạy học tích cực.
Những điểm mới trong Thông tư 58 so với Quy chế 40 và Thông tư 51 về kiểm tra đánh giá học sinh.
Kế hoạch tổ chức Hội thảo“Đổi mới kiểm tra đánh thông qua biên soạn đề kiểm tra, xây dựng thư viện câu hỏi, bài tập môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý trong trường THCS và THPT” của Sở GD.gữ văn, Lịch sử, Địa lý trong trường THCS” của Phòng GD.
Phân công viết tham luận tham dự Hội thảo cấp tỉnh các môn Ngữ văn, Sử, Địa.
Đề kiểm tra chất lượng môn Toán tháng 02 năm 2012
VĂN BẢN CỦA NHÀ TRƯỜNG