BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 12
“Chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
(Ngày 22/12/1944 – 22/12/2024)”
CUỐN SÁCH “KỂ CHUYỆN SỰ KIỆN LỊCH SỬ BẰNG ẢNH TƯ LIỆU: ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH”
Kính thưa các thầy giáo cô giáo!
Thưa toàn thể các em học sinh thân mến!
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Dòng chảy lịch sử là bất tận, nó tạo nên sức mạnh bất diệt của một dân tộc. Thế hệ trẻ Việt Nam phải được hiểu kỹ về lịch sử nước nhà, phải được tắm mình vào dòng chảy lịch sử của dân tộc. Như lời Bác Hồ đã dạy:
“Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Năm 2024 đánh dấu một mốc son lịch sử trong hành trình vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam – kỷ niệm 80 năm ngày thành lập (22/12/1944 - 22/12/2024). Đây là dịp để tôn vinh và tưởng nhớ những người lính đã đóng góp quý giá cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và phát triển đất nước. Chúng ta cùng ôn lại một phần trang sử hào hùng và vinh quang của lực lượng đã luôn đồng hành và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam qua bao thăng trầm của lịch sử.
Để giúp thầy cô và các em học sinh có thêm kiến thức cũng như tư liệu để tham khảo về lịch sử Việt Nam trong những năm chiến tranh, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Thư viện nhà trường xin giới thiệu cuốn sách: “Kể chuyện sự kiện lịch sử bằng ảnh tư liệu: Đường mòn Hồ Chí Minh” do tác giả Phan Anh tuyển chọn. Cuốn sách nằm trong bộ sách: “ Kể chuyện sự kiện lịch sử bằng ảnh tư liệu” được Nhà xuất bản Lao động phối hợp với công ty TNHH Đông Tân xuất bản năm 2009. Bộ sách góp phần phổ biến kiến thức và giáo dục truyền thống cách mạng cho độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, khơi gợi niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.
Cuốn sách dày 60 trang, với khổ sách là 20x20 cm, bìa sách được làm từ chất liệu giấy cứng, đẹp. Ta có thể thấy ngay trên bìa sách đó là hình ảnh con đường Hồ Chí Minh với những chiếc xe chở hàng chi viện cho chiến trường miền Nam. Có thể nói, con đường đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, đi vào thơ ca Việt Nam với những tác phẩm âm nhạc còn vang mãi theo thời gian như: Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao; Lá đỏ nhạc Hoàng Hiệp; lời thơ Nguyễn Đình Thị , Chiếc gậy Trường Sơn của nhạc sĩ Phạm Tuyên,…Những bài thơ nổi tiếng như: “ Theo chân Bác” của Tố Hữu; “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật,…
Nhìn lại lịch sử đất nước, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ củng cố, xây dựng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, xây dựng bộ máy ngụy quân, ngụy quyền; đất nước bị chia cắt làm hai. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngụy ở miền Nam gặp muôn vàn khó khăn. Lúc đó chúng ta phải vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí,.... tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Và tháng 5 năm 1959, một con đường huyết mạch được mở bí mật từ Bắc vào Nam - Đó là đường mòn Hồ Chí Minh. Đường mòn Hồ Chí Minh đã ra đời với nhiệm vụ tạo cầu nối cho hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam.
Mở cuốn sách ra, chúng ta sẽ bắt gặp ngay đầu tiên là hình ảnh con đường Trường Sơn, con đường mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc – Hồ Chí Minh. Vâng, chỉ một hình ảnh này thôi nhưng nó đã cho chúng ta biết được bao điều - chiến tranh thật ác liệt, cỏ cây trơ trụi, hố bom trải đầy, nhưng dù có tàn khốc và ác liệt đến đâu đi chăng nữa thì những người lính, những đoàn xe vẫn hiên ngang, dũng cảm bám đường đưa hàng tới đích an toàn. Như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết:
“Xe không kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rơi kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng...”
Mỗi trang sách là một hình ảnh, mỗi hình ảnh lại được tái hiện một cách sinh động và chân thực. Trải qua 16 năm chiến đấu ác liệt, gian khổ, người lính Việt Nam, không chùn bước trước mọi khó khăn, chỉ với những công cụ thô sơ như cuốc, thuổng, xẻng đã khuất phục cả dãy Trường Sơn để mở tuyến đường. Họ là những ai?
Chúng ta sẽ cùng mở trang 6 của cuốn sách ta sẽ gặp hình ảnh 12 cô gái thanh niên xung phong phong ở tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552 đã chiến đấu dũng cảm bám trụ ở ngã 3 Đồng Lộc, trọng điểm đánh phá của địch trong những năm 1966- 1968. Và cuối năm 1968 các cô đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ. Có thể nói, công việc của những người lính thanh niên xung phong vô cùng nguy hiểm và vất vả nhưng ta vẫn thấy nụ cười trên môi họ, họ vẫn vui hát, rất lạc quan và yêu đời qua những giờ giải lao. Họ vẫn tổ chức những hoạt động thể thao để tăng cường sức khỏe. Chúng ta có thể thấy được điều này qua các trang 8, 12, 33 của cuốn sách.
Chúng ta sẽ còn gặp những người lính thanh niên xung phong đang rất khẩn trương, nhanh chóng mở đường, thông những đoạn đường mà địch mới đánh phá để kịp thời chở hàng ra tiền tuyến, bạn đọc có thể giở các trang 14, 20, 35,... của cuốn sách. Họ là những người lính công binh mở đường Đoàn 29, Đoàn 33, những người lính Đội cầu 8..ngày đêm khai mở đường để xe kịp thời chở hàng ra tiền tuyến.
Họ là những người chiến sĩ thông tin liên lạc, những người lính lái xe thuộc xí nghiệp vận tải số 20 Nghệ Tĩnh, tiểu đoàn 102 ô tô, đoàn xe của Đại đội 7, đoàn 8,... đã đưa những đoàn xe vượt đèo cao, dốc sâu, vượt qua nhiều trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt để đưa hàng hóa ra tiền tuyến được an toàn .
Chúng ta cứ nghĩ là vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam là đơn giản và dễ dàng nhưng nó không hề đơn giản đâu các bạn ạ. Với nhiều phương pháp khác nhau, người lính đã vận tải hàng từ gùi, thồ đến dùng xe cơ giới. Họ đã vận chuyển thành công qua nhiều con đường khác nhau. Để biết được điều này, chúng ta sẽ tìm và xem ở các trang 9,13,25,27,28,39,44,..của cuốn sách.
Đọc cuốn sách chúng ta không chỉ thấy hình ảnh của những người lính mà ở đây còn có cả hình ảnh của nhân dân cùng tham gia, giúp sức để giữ đường đảm bảo giao thông thông suốt.
Lực lượng nào, đơn vị nào cũng có những sự tích anh hùng; con đường nào, địa điểm nào cũng là mảnh đất thiêng liêng rực lửa. Có những đoạn đường, có những địa điểm đã trở thành mốc son lịch sử. Phải kể đến đó là: ngã ba Đồng Lộc- Hà Tĩnh; Đèo Đá Đẽo- Quảng Bình,....
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh!
Trong cuốn sách này còn có rất nhiều hình ảnh của những người lính, những người đã làm nên con đường liên hoàn, vững chắc- Đường Trường Sơn vĩ đại. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm và của khí phách anh hùng.
Có thể nói, cuốn sách đã tái hiện quá trình chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta đảm bảo sức sống bền bỉ của con đường. Chiến tranh đã lùi xa nhưng con đường Hồ Chí Minh lịch sử sẽ mãi mãi đi vào lòng người dân Việt Nam như một con đường huyền thoại, nó gắn với sự thống nhất và độc lập dân tộc, nó có ý nghĩa thiêng liêng khi nó mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, đồng thời nó tượng trưng cho sự biết ơn của nhân dân sẽ mãi không bao giờ quên sự hi sinh của những anh hùng liệt sĩ để mang lại sự độc lập, thống nhất của dân tộc ta.
Khi đọc cuốn sách này, mỗi người dân Việt Nam chúng ta sẽ ý thức được rằng để có được cuộc sống hoà bình, độc lập ngày hôm nay, cha ông ta đã phải trải qua bao gian nan, bao đau thương, máu và nước mắt của bao người đã đổ xuống. Chúng ta những thế hệ tương lai của đất nước hãy có những việc làm thiết thực thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của mình với những người có công với đất nước, ra sức học tập, rèn luyện đạo đức để góp phần xây dựng quê hương, Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Cuốn sách: “ Kể chuyện sự kiện lịch sử bằng ảnh tư liệu: Đường Mòn Hồ Chí Minh” là một tư liệu lịch sử quí giá, nó sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều kiến thức về lịch sử dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hy vọng cuốn sách này sẽ được thầy cô và các em đón đọc.